Buddhist Studies
 

 


Câu Hỏi 141: Khi rải tâm từ đến một người mà xin chịu bệnh thay. Sau một thời gian người đó hết bệnh và hành giả lại mang bệnh. Thực hành như vậy đúng hay sai?

(Bài giảng ngày 16 tháng 9 năm 2008 tại Thiền đường chùa Nguyên Thủy)

Thiền sư Dhammapàla :Khi thực tập đề mục quán tâm từ mà xin chịu bệnh thay cho người khác, hoàn toàn đây là một thiện nghiệp. Khi niệm đề mục quán tâm từ quý vị phải chọn một đối tượng như sau, thứ nhất là còn sống , thứ hai là cùng một giới tính với mình. Bước thứ hai sau khi thực tập tâm từ với đối tượng trên, quý vị rải tâm từ đến người mình yêu mến, rồi đến những người không yêu không ghét, thứ tư là đến những người ghét. Đối với những người chúng ta rất yêu mến được phân làm hai loại, thứ nhất những người chúng ta rất yêu thương trong gia đình, thứ hai là những người không thân thiết nhưng chúng ta kính trọng. Chúng ta nên rải tâm từ đến những người kính trọng thương mến nhưng không dính mắc, vì nếu có sự dính mắc thì đó không còn là tâm từ nữa.

Khi không có tâm xả trong rải tâm từ thì quý vị sẽ rơi vào thái cực dính mắc, lúc đó không còn là tâm từ nữa mà đó là sự luyến ái. Trong trường hợp vị này cô ta rải tâm từ cho người mình yêu mến thì tâm từ này có tính chất dính mắc và vì vậy cô muốn chịu thay bệnh và điều này không còn gọi là tâm từ nữa vì không có tâm xả. Một người có tâm xả sẽ biết nghiệp ai người ấy chịu chứ không thể nào gánh nghiệp thay cho người khác được, vì quá yêu mến nên mình muốn xả thân gánh bệnh cho người khác. Đây là sự không hiểu biết về nhân quả và nghiệp báo vì rằng mình không muốn điều xấu cho người thân của mình thì cũng không thể được vì đây là một dạng thuộc về nhân quả nghiệp báo, họ có nghiệp của họ mình có nghiệp của mình, không ai có thể chịu thay ai được.  

Điều ở đây tôi muốn nhấn mạnh là vị hành giả này thực tập tâm từ một cách không có hệ thống và bài bản, không hiểu thấu đáo về từng bước thực tập tâm từ. Đầu tiên là mình phải rải tâm từ cho đối tượng nào không dính mắc, không yêu không ghét và sau đấy khi đã nhuần nhuyễn rồi thì mới chuyển sang đối tượng khác như đối tượng mình yêu mến nhưng không dính mắc, có nghĩa là từng nhóm đối tượng một và phải thực tập từng bước từng bước một. Chứ không thể nào khi mới biết rải tâm từ thì mình rải ngay đến cho người mình yêu thương nhất thì đó không phải là tâm từ mà là một sự dính mắc luyến ái bên trong. Thành ra khi thực tập tâm từ mình phải học một cách bài bản có được sự hiểu biết đầy đủ ở những vị thầy có sự hiểu biết và có sự thực tập một cách bài bản và hệ thống. Nếu không sẽ sai đường và tai hại  bởi vì sẽ  khởi lên tà kiến, hiểu sai. Còn về bệnh của của hành giả, tôi nghĩ rằng mỗi người có nghiệp của mình, tức là bệnh không thể nào phát sanh ra khi cô phát nguyện chịu thay bệnh cho người khác, bệnh ung thư sẽ chuyển sang cô ấy,  tức là không phải bệnh là do rải tâm từ mà có, mà bệnh ở đây là do nghiệp của cô ấy có sẵn, tức là cả cô gái cũng có bệnh ung thư và cả cô nguyện cũng có nghiệp xấu ở trong quá khứ là sẽ bị bệnh ung thư. Thành ra không phải do rải tâm từ chịu bệnh thay mà hành giả  mang bệnh.

Tôi xin dứt lời tại đây.

 

Tu nữ Santacitta chuyển biên


Download cau hoi 141

Phat Hoc Van Dap Phap Am Lưu Trữ